BẠI NÃO LÀ GÌ ?

BẠI NÃO LÀ GÌ ?

BẠN ĐÃ  BIẾT VỀ CHỨNG BẠI NÃO ?

Cùng Flame Center tìm hiểu thêm về chứng bệnh này với bài viết dưới đây.

Bại não là gì?

Bại não là một thuật ngữ chung mô tả “một nhóm các rối loạn vĩnh viễn về phát triển vận động và tư thế, gây ra các giới hạn về hoạt động do những rối loạn không tiến triển xảy ra trong não bộ bào thai hoặc não ở trẻ nhỏ đang phát triển. Các rối loạn vận động của bại não thường kèm theo những rối loạn về cảm giác, nhận cảm, nhận thức, giao tiếp và hành vi, động kinh và các vấn đề xương khớp thứ phát.”

Bại não có thường gặp?

Tỷ lệ mắc bại não tại các nước phát triển là 1,4-2,1/1.000 trẻ sinh ra sống. Ở Việt Nam, tỷ lệ ước tính là 1,8  và hiện nay nước ta vẫn chưa thống kê được con số trẻ mắc bại não cụ thể.

Nguyên nhân nào dẫn tới Bại não?

Có rất nhiều nguyên nhân gây chứng Bại não, chúng ta có thể quy vào ba nhóm nguyên nhân chính là: nguyên nhân trước sinh, trong sinh và sau sinh.

  • Trước sinh: nhiễm trùng thai kỳ, thiếu máu não bào thai, sang chấn thai kỳ, mẹ mắc bệnh liên quan hệ miễn dịch, bất đồng nhóm máu mẹ con,….
  • Trong sinh: trẻ sinh non, cân nặng thấp, sang chấn sản khoa (can thiệp giác hút, forceps), trẻ bị ngạt,…
  • Sau sinh: vàng da nhân não, sốt cao, chấn thương não, và một số rối loạn phức tạp khác.

Một nhóm nhỏ các trẻ mắc Bại não không xác định được nguyên nhân.

Bại não có những thể nào? Biểu hiện ra ngoài như thế nào?

Chúng ta có nhiều cách phân loại, phổ biến nhất là phân loại theo thể lâm sàng và theo mức độ.

  • Theo thể lâm sàng, bại não có 5 thể với biểu hiện về cơ xương khớp khác nhau:
  • Co cứng (tăng trương lực cơ toàn thân, trẻ gồng cứng cơ thể dẫn tới khó bế ẵm và cử động)
  • Mềm nhẽo (trẻ giảm trương lực cơ, người mềm nhẽo, khó bế ẵm và bú mớm)
  • Thất điều (trương lực cơ giảm, biểu hiện sự run rẩy và ảnh hưởng nhiều tới thăng bằng, điều hợp của trẻ)
  • Múa vờn (trương lực cơ lúc tăng lúc giảm, biểu hiện điển hình là những cử động và mẫu xoắn vặn trên cơ thể trẻ)
  • Phối hợp (tình trạng bại não với biểu hiện lâm sàng nhiều hơn 1 thể vận động, điển hình nhất là co cứng kết hợp múa vờn)
  • Theo mức độ:
  • Nặng: sinh hoạt của trẻ phụ thuộc hoàn toàn
  • Nặng vừa: trẻ có những chuyển động nhất định của cơ thể, tuy nhiên cần trợ giúp các hoạt động hàng ngày hoàn toàn
  • Trung bình: trẻ có thể thực hiện các chuyển động đơn giản và các hoạt động sinh hoạt mức độ với sự trợ giúp ít.
  • Nhẹ: trẻ độc lập trong hoạt động di chuyển, tự thực hiện các hoạt động hàng ngày với sự trợ giúp lời nói hoặc giám sát.
  • Ngoài ra, còn các rối loạn ngôn ngữ, nhận thức và tương tác xã hội khác ở trẻ bại não.

Vậy, các dấu hiệu phát hiện sớm là gì?

  • Trẻ đẻ ra không khóc ngay, hoặc khóc yếu
  • Khó bế ẵm, khó bú mớm
  • Trẻ mềm nhũn hoặc gồng cứng toàn thân hơn bình thường
  • 2 bàn tay nắm chặt
  • Trẻ cất cổ muộn, có thể không nâng được đầu
  • Các mốc phát triển vận động thô bị chậm (chậm lẫy lật, ngồi, bò,..)
  • Sự tương tác với người thân hoặc phản ứng với đồ chơi bị chậm hay không có

Bại não là một chứng bệnh với nhiều biểu hiện phức tạp và nhiều rối loạn đan xen, Trung tâm hy vọng bài viết cung cấp thêm thông tin cho các ba mẹ đang có bé bại não hay những người quan tâm hiểu rõ hơn về chứng bại não.

(Bài viết tham khảo thông tin cuốn sách “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị phục hồi chức năng cho trẻ bại não” của Bộ Y Tế XB 2018).

 

X